Răng là một bộ phận đặc biệt trên cơ thể khi không có khả năng tự phục hồi khi bị tổn thương và sâu răng là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng tổn thương của răng, thậm chí phải nhổ bỏ nếu như tình trạng nghiêm trọng.
1. Sâu răng là gì?
Sâu răng là một bệnh lý răng miệng rất phổ biến, nó là sự xâm nhập của vi khuẩn làm tổn thương đến các mô răng lành, dần dần làm phá hủy hết cấu trúc của răng.
Triệu chứng đầu tiên của sâu răng chính là màu sắc của răng dần dần bị đổi màu. Khi sâu răng bắt đầu tiến triển nặng hơn, cũng là lúc các lỗ sâu bắt đầu xuất hiện khiến thức ăn thường xuyên bị giắt vào, bị ứ đọng, răng chuyển sang màu nâu hoặc đen, người bệnh cảm thấy đau, ê buốt mỗi khi ăn đồ nóng, lạnh.
Răng bị sâu
2. Nguyên nhân phổ biến gây bệnh sâu răng
Bệnh sâu răng được hình thành do một số nguyên nhân phổ biến như sau:
– Do chế độ chăm sóc răng miệng không đầy đủ, đúng cách.
– Do chế độ ăn uống thường xuyên lựa chọn các loại thực phẩm có nhiều đường, khiến răng nhanh chóng bị “phá hủy’ và tổn thương.
– Do vi khuẩn: Vi khuẩn hình thành và tồn tại trong mảng bám quanh răng, trong cao răng sẽ là tác nhân chính gây ra nhiều bệnh lý răng miệng vô cùng nguy hiểm, trong đó có sâu răng.
– Do tuổi tác: Khi càng lớn tuổi, tình trạng sức khỏe răng miệng của chúng ta càng trở nên suy yếu nên nguy cơ mắc bệnh sâu răng vì vậy mà cũng tăng lên rất nhiều.
Răng bị sâu có thể gây ra nhiều đau đớn
3. Răng sâu có nên nhổ hay không?
Như đã đề cập ở phía trên, răng là một bộ phận khá đặc biệt của cơ thể, và nó không có khả năng tự phục hồi khi bị tổn thương mà bắt buộc phải có sự can thiệp và điều trị, nếu không tình trạng của răng sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí là có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Tuy nhiên, nhổ răng cũng không phải là giải pháp duy nhất để “xử lý” răng sâu mà nhổ răng thường chỉ là chỉ định cuối cùng, khi răng đã sâu quá nặng, bị vỡ nhiều hoặc răng thật không thể bảo tồn được nữa. Sau khi nhổ răng sâu, thường phải lựa chọn hình thức phục hình răng giả bằng cấy ghép implant hoặc làm cầu răng khá tốn kém.
Bởi vậy, khi răng mới ở giai đoạn chớm sâu, sâu ở mức độ nhẹ, nên sớm đến phòng nha để các bác sĩ có thể thăm khám cũng như điều trị sớm bằng phương pháp trám răng hoặc điều trị tủy nếu răng đã bị sâu vào tủy. Hai phương pháp này vừa giúp bảo tồn được răng thật, lại đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều so với Nhổ răng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM
Hàn răng sâu và 4 thắc mắc phổ biến nhất
Cách chữa sâu răng hàm dứt điểm hoàn toàn